HIỆN TƯỢNG VÀ TRIẾT LÝ

Hiện Tượng và Triết Lý

 

 

Sự Kiện
Hiện tượng và triết lý khác biệt ra sao ? Một thí dụ là quan niệm thường có về chứng đạo (initiation, còn dịch là điểm đạo) của nhiều tổ chức tinh thần và ý nghĩa thật của nó. Chứng đạo được nói tới để dẫn dụ ai bị ý tưởng làm đệ tử quyến rũ, mê say ý này. Sự kiện đưa ra nặng về tình cảm, nhấn mạnh vào điểm không quan trọng có thực lẫn không thực, có sức lôi cuốn ai thích chuyện huyền bí hơn là muốn đi tìm chân lý. Cách trình bầy này về chứng đạo là sản phẩm của trí cụ thể, và do đó làm kết cứng và bẻ cong kết quả; chúng cũng gợi nên lòng ích kỷ tinh thần và tính cô lập, cũng như là óc hiếu kỳ chuyện cõi tình cảm.
Thay vào đó chỉ dạy khác nói rằng ta nên quên những điều này mà hãy chú trọng vào ý nghĩa, nguyên nhân và thực trạng của việc. Phương pháp mới thu hút óc trừu tượng và linh hồn, hai điều giá trị chân chính và chót hết dẫn tới trực giác; nó không hào nhoáng khi nói đến cái tôi nhưng sẽ cho ra kết quả có tính sáng tạo hơn, và dẫn người sơ cơ đi theo đường an toàn hơn, có ít thất vọng và thất bại hơn.
Hiện tượng không mang lại sự thỏa mãn mà khi thấy một người ta muốn thấy hai, rồi ba. Với ai thiên nặng về lý trí nó không có sức thuyết phục, mà thường khi còn thúc đẩy họ tìm mọi lý lẽ để bác bỏ nó. Lại nữa, hiện tượng chỉ giới hạn nơi cõi trần và tình cảm đầy huyễn ảnh mà khi theo đuổi, dễ dàng đưa người vào mê lộ mà không dẫn đến chân lý.
Triết lý ngược lại làm người học được thỏa mãn mà còn có tính nâng cao và mở rộng, đưa con người lên cõi trí và cao hơn nữa, khiến họ ‘trở thành’ là đặc tính rất quan trọng. Trọn con đường tiến hóa là sự trở thành, chặng trước khi làm người là đất đá thành thảo mộc, thảo mộc thành thú cầm, thú vật thành người. Khi tới mức ấy con đường trước mặt là ta học để thành Phật, thành ‘trọn lành như Cha trên trời’. Triết lý mở rộng từ trong con người ra ngoài, từ cái ngã đến cái vô ngã để rồi tất cả làm một; thành đạt của triết lý còn mãi, có đó trong con người từ kiếp này sang kiếp tới.
Diễn trình như vậy đi tới, đi lên cao, đi ngang và xuống dưới, nghĩa là bao trùm đủ mọi hướng vì ấy là đặc tính của một tâm thức mở rộng. Ngược lại việc bị lôi cuốn theo hiện tượng không cho kết quả này.
Con người chạy theo hiện tượng giống như theo đuổi cánh bướm muôn mầu muôn vẻ tung tăng đó đây, đi hoài không có đích, và cũng không  tới đích nào, chỉ quanh quẩn ở cõi ảo mộng. Chủ đích của việc đi từ hiện tượng này sang hiện tượng khác là tìm một Thượng Đế ở bên ngoài mình, tức điều có thể làm thỏa mãn khát khao, nhưng mục đích thật sự cho ta tìm là Thượng Đế nội tâm, và mọi chuyện thật diễn ra bên trong mà không phải bên ngoài. 
Lúc này khuynh hướng tìm hiểu về kinh nghiệm cận tử - near death experiences, trở về kiếp trước có nét tâm linh, nhưng phần lớn là nói về hiện tượng hơn là triết lý và tinh thần. Việc đọc hết sách này tới sách khác về kinh nghiệm cận tử, cuốn nọ rồi cuốn kia về kiếp trước không dẫn ta đi xa vì tất cả chỉ là hiện tượng thay đổi vô thường, chuyện phải làm là nhận biết tính chất và ý nghĩa của chúng để rồi bước vào cõi tinh thần vĩnh cửu.

Tính Chất
Hiện tượng có giá trị và giới hạn của chúng, là cho biết còn có những cảnh giới khác ngoài cõi trần, còn có những điều ngoài sự cảm nhận của ngũ quan và hiểu biết. Tuy vậy lý luận của trí cụ thể theo kinh nghiệm của ngũ quan và tri thức thông thường không giải thích được thỏa đáng hiện tượng, muốn làm vậy phải dùng quan năng cao hơn và cảm biết cao hơn (như thượng trí, trực giác, tâm bồ đề) là điều mà khoa học không biết và còn nghi ngờ, phủ nhận.
Triết lý cho con người thấy con đường, dẫn con người tới  Thượng Đế nội tâm. Triết lý nâng cao, mở rộng con người, đưa ta tới những sự phát triển càng lúc càng làm đời sống phong phú hơn.. Cuộc tiến hóa luôn tiến tới, đưa con người tới đích này rồi đích kế tiếp, không  có mức cùng, càng lúc càng cao rộng; con người qua những lần mở rộng tâm thức, ‘thành’ La Hán, ‘thành’ Bồ Tát, ‘thành’ Phật tiến lên mãi. Đây là điều không có được với hiện tượng, cái sau làm con người theo đuổi không ngừng một Thượng Đế bên ngoài, chạy theo từ huyễn ảnh này đến huyễn ảnh kia mà không hề thỏa lòng.
Điều cần nhớ là khi đi tìm Thượng Đế nội tâm, sự chủ ý sống đời tinh thần không có nghĩa là hướng nội, hay biến ta thành người hướng nội, vì hướng  về Thượng Đế nội tâm là nhắm tới sự sống bên trong để trở thành, bao trùm không  trụ vào cái tôi, còn với tính hướng nội thì tâm tưởng trụ vào cái tôi, con người sống nhiều trong thế giới của riêng mình; tuy không vị kỷ, ích kỷ nhưng trong thế giới ấy cái tôi chiếm phần quan trọng.
Nghĩa thực sự của chữ ‘người hướng nội - introvert’ là cá nhân luôn nhìn vào cảm xúc bên trong và đời sống tư tưởng của mình. Đó không phải là lối sống theo tinh thần, mà nó mô tả việc sống như là một người quan sát đứng ngoài nhìn vào bên trong. Còn sống theo tinh thần muốn nói việc tụ điểm của tâm thức con người nằm ở bên trong, và từ điểm ấy bạn nhìn theo hai hướng:
– Ra ngoài nhìn vào phàm ngã ở cõi trần
– Vào trong nhìn vào linh hồn
Có sự khác biệt rất rõ giữa hai ý mà ta nên nắm vững, và ai biết được sự khác nhau giữa việc sống đời hướng nội và sống đời tinh thần, là đang trên đường thành huyền bí gia thực thụ.
Một ý thứ hai cũng cần thấu đáo, việc sống đời tinh thần, sống theo các giá trị tinh thần không  hề muốn nói là tâm trí ta mơ màng, lãng đãng chuyện không đâu và lãng quên đời sống hằng ngày nơi cõi trần. Việc học hỏi MTTL không có nghĩa biến con người thành không thực tế, mà nếu hiểu đúng thì nó muốn nói con người vì vậy trở thành nhậy cảm hơn với sự sống  trong ba cõi, và không phải trốn lánh cuộc sống ở cõi trần.

Nhiều Cõi Sinh Hoạt
Một đặc tính khác về triết lý là nó dẫn ta đến khái niệm rằng có nhiều cõi ý thức:
– Cõi trần nơi ta đang sống là cõi của hệ quả, của hiện tượng,
– Bên trên nó là cõi của ý nghĩa,
– Rồi tới cõi của nguyên nhân,
– Và sâu xa hơn nữa là cõi của tự tại - being.
Nỗ lực của chỉ dạy, của bậc thầy, là khiến con người xa rời cõi của hiện tượng để bước vào cõi của ý nghĩa bằng sự tham thiền, suy gẫm. Biết được ý nghĩa giúp ta diễn giải hiện tượng đúng đắn; biết nguyên nhân tinh thần cho ra sự hiểu biết được tỏ ngộ, và khi có sự tự tại thì con người bao trùm tất cả.
Trong giai đoạn đầu trên đường học hỏi, từ cõi hiện tượng ta bước vào và làm việc trong cõi của ý nghĩa, khi tiến xa và có hiểu biết hơn, ta sinh hoạt có ý thức nơi cõi của nguyên nhân, cho tới lúc đủ sức làm việc trong cõi của tự tại.
– Người chí nguyện gắng sức hiểu mục tiêu của thế giới của ý nghĩa, và áp dụng kiến thức học được vào đời sống hằng ngày với lòng thông cảm.
– Người đệ tử nỗ lực để thấu đáo ý nghĩa của thế giới của nguyên nhân, và nối kết nguyên nhân với hệ quả theo một cách thực dụng.
– Bậc đạo đồ từ lần chứng đạo thứ ba trở lên dùng hiệu lực của ba cõi này để thực hiện Thiên Ý.
Sự phân biệt không theo đường nét rõ ràng, cứng ngắc, bởi sự sống trôi chẩy luôn và hằng tiến tới, nhưng hình ảnh tổng quát cho ta ý niệm là con đường đi lên cao mãi và tỏa rộng. Đó là đặc tính nổi bật của triết lý mà hiện tượng không có, hiện tượng dẫn người hiếu kỳ đi vòng không dứt, càng đi càng lún sâu vào ảo mộng và khi hiểu ra thì chỉ có một phản ứng là dừng lại, tìm đường ra khỏi mê lộ mình theo đuổi bấy lâu nay.
Bởi hiện tượng đôi khi có tính gạt gẫm và không phải là sự thực, để tránh việc tin tưởng vào đó một cách mù quáng không phân biện, ta được cho biết là những hiện tượng được tạo ra trong mấy năm đầu của hội, hoặc do HPB hoặc do các Chân Sư, có một đặc điểm là chúng thường có một khe hở mà ai tìm kiếm có thể vin vào đó, đưa ra biện luận hợp lý và bác bỏ chuyện. Giải thích đưa ra nói rằng nó được chủ ý làm vậy để bắt buộc ai quá tin vào hiện tượng phải dừng lại suy nghĩ, và không nhắm mắt mù quáng tin theo.
Hiện tượng có một số nghĩa khác nhau tùy trường hợp, nó có thể muốn nói những điều được người có khả năng tạo ra, khi khác chữ nói chung về những cảnh trạng ở cõi trung giới. Tổng quát thì hiện tượng được xem như là bước đầu để dẫn tới bước kế là triết lý, mà tự nó không được xem là mục đích cho sự tìm hiểu của con người về sự sống. Trong bài ‘Về Hiện Tượng’, PST 68, HPB giải thích ý này như sau:
Hiện tượng huyền bí đã được làm với hy vọng gợi nên và sử dụng óc tò mò. Người ta tin là việc sử dụng các lực thiên nhiên nằm bên dưới bề mặt - cái bề mặt của sự vật mà khoa học tân thời chỉ mới cào nhẹ và thăm dò thật chuyên cần, hãnh diện - sẽ đưa tới việc tìm hiểu về bản chất và luật của các lực tuy khoa học chưa biết nhưng khoa huyền bí học đã biết trọn vẹn.
Quả đúng là hiện tượng khích động óc tò mò trong trí ai chứng kiến, nhưng không  may óc tò mò này trong đa số trường hợp là loại thờ ơ. Phần lớn ai chứng kiến sinh ra lòng ham muốn vô độ đối với hiện tượng, mà không  có ý muốn gì về việc học hỏi triết lý hay cái khoa học mà đối với chúng, sự thật và quyền năng của hiện tượng chỉ là điều không  đáng, và có thể nói là sự diễn giải tình cờ mà thôi. Chỉ trong vài trường hợp ta mới thấy óc hiếu kỳ làm sinh ra ý nghiêm chỉnh muốn nghiên cứu chính triết lý và khoa học, chỉ để biết thêm về chúng.
Bà nói về những điều được tạo ra vào thuở đầu của Hội, nay ở thế kỷ 21 ta có nghĩa khác của chữ, ấy là sự lưu tâm của khoa học về kinh nghiệm cận tử, thấy bắt đầu từ năm 1975 dẫn tới nhiều diễn biến đáng nói, như đại học Hoa Kỳ mở cuộc nghiên cứu về hiện tượng này, sách vở tràn lan vừa của những ai thuật lại kinh nghiệm riêng của họ, vừa của nhiều tâm lý gia trình bầy nghiên cứu trong lãnh vực này, rồi đưa ra nhận xét và giả thuyết của mình.
Hiện tượng là điểm chính yếu trong các sách ấy. Nó được mô tả, diễn giải, tìm hiểu ý nghĩa và bởi người ta không dùng hiểu biết về Theosophy khi làm vậy, đại đa số bài viết chỉ dừng ở mức hiện tượng mà không đi tới triết lý nằm đằng sau nó, đúng như nhận xét của HPB đưa ra cả trăm năm trước.
Trí năng được sử dụng mạnh mẽ, khéo léo, giỏi dang ở đây. Chuyện xẩy ra ở một trong bẩy cõi của sự sống, mà bởi cái trí và khoa học không nhìn nhận còn có nhiều cảnh giới khác ngoài cõi trần, không có chìa khóa để giải thích các sự kiện tâm linh nằm ngoài cảm nhận của ngũ quan, hay các tâm thức thuộc những cõi nằm ngoài tâm thức người trung bình, biện luận thuần lý trí không cho diễn giải đúng về ý nghĩa của hiện tượng là đưa ta từ cõi sự việc được quan sát, xẩy ra, sang cõi của ý nghĩa, là diễn trình đúng phải theo.

 Con Đường
Sự mở mang tâm thức đi theo diễn trình từ nơi này sang nơi kia như sau:
● Phòng Thứ Nhất là Phòng Vô Minh ghi trong Tiếng Vô Thinh The Voice of the Silence, là cõi trần này. Nó được gọi như vậy vì không gì ở đây - thuộc cõi hiện tượng - lại giống như điều ta thấy (thấy vậy mà không phải vậy). Thế giới của hiện tượng là thế giới của hệ quả, mỗi phút mỗi thay đổi, cơ thể ta biến chuyển từ phút này sang phút kế, có tế bào mới sinh ra và tế bào khác chết đi. Thế giới phàm trần thì không vĩnh cửu, tựa như bề mặt sóng vỗ nhấp nhô miên man của đại dương, còn sâu bên dưới thì biển yên tĩnh và lặng lẽ. Nói khác đi thế giới Thực, Bất Biến nằm đằng sau thế giới không thực. Ghi thêm thì Thiên Chúa giáo dạy con người sinh ra mắc tội tổ tông là muốn nói đến sự kiện ta sinh ra trong cõi vô minh này.
● Phòng Thứ Hai là Phòng Học Tập, liên quan đến tiềm thức hay thế giới tâm linh, cõi trung giới,  Ở cõi này, mọi hình tư tưởng dù tuyệt vời đầy hứng khởi thế mấy tự chúng không là Thực tại, mà chỉ là biểu tượng của Thực tại ấy. Biểu tượng càng thật thì sự tỏa chiếu của Thực tại càng đến với người chí nguyện. Có nhiều điều cho ta học ở đây nhưng chúng không hề là chân lý về sự vật.
● Phòng Thứ Ba là Phòng Minh Triết.
Hiểu biết tinh thần không sao đạt được bằng phương pháp trí não thông thường, như tự phân tâm. Theo cách này cái ngã bình thường xem xét, đánh giá cái ngã bình thường; có đúng / sai; có khen / chê, tâm thức đồng hóa với cái ngã, còn tâm thức thiêng liêng biết mình không phải là cái ngã. Muốn đạt tới ý thức sau cần óc phân biện, và do vậy mà tính phân biện được nhấn mạnh, để mang lại kết quả là nhận thức tinh thần.

Triết Lý và Trí Năng
Từ đây có vài nhận xét sau:
● Không  thể đi tìm chân lý ở cõi của hiện tượng nói chung, và cõi trung giới nói riêng là cõi ảo mộng, mà còn những cõi cao có tính xác thực nhiều hơn. Từ đây ta nhận ra giá trị của những sách vở về đề tài được nhiều lưu tâm là linh hồn và kinh nghiệm cận tử. Khi nội dung chỉ bàn về hiện tượng dù thú vị ra sao, ta hiểu rằng sách không đưa ta đi xa, vậy không  nên dừng chân nơi cõi hiện tượng, Loại sách khác cũng rất được ưa chuộng hiện nay nói về kiếp trước, thường là do tâm lý gia dẫn dụ khách hàng trở về quá khứ, nay thuật lại những trường hợp khác nhau này. Các tài liệu như vậy khiến người ta quan tâm nhiều hơn đến luật tái sinh, mà cũng giống như trên là nó có thể lôi cuốn ta vào một vòng tròn không có lối ra, khi con người chỉ lưu tâm đến chuyện quá khứ, sống lại với cảnh cũ người xưa, hay tệ hơn là chìm đắm trong đó thay vì rút lấy bài học rồi đi tới.
● Trí năng giống như hiện tượng là có giá trị mà cũng có giới hạn của nó, và ta cần nhận biết hai điều ấy. Giai đoạn này trong cuộc tiến hóa của con người  có điểm chính yếu là sự phát triển cái trí, con người học cách sử dụng những khả năng của trí tuệ, nhưng có khuyến cáo là chuyện sẽ trở nên bất lợi và nguy hiểm khi lầm lẫn coi đó là mục đích, là việc duy nhất để làm,  thay vì xem cái trí như là một trong các quan năng mà con người có, và còn nhiều điều khác ngoài cái trí cũng cần được mở mang. Khi cho rằng trí năng là tất cả, có nguy cơ là con người thiên về thuyết duy vật và làm chậm trễ cuộc tiến hóa, vì không nhìn nhận còn có những cõi tâm linh, tinh thần.
Vậy trí năng không mà thôi thì không đủ, mà ta cần phát triển những quan năng khác để có thể cảm biết những điều thuộc cõi cao hơn, ở mức tâm thức mở rộng hơn, tức có nhận biết là suy diễn chỉ bằng cái trí không mà thôi thì chưa đi tới phần rốt ráo của sự việc.
● Xác định mục đích thật của sự sống, mục tiêu thật cho các nỗ lực của ta, và nó cần đến óc phân biện và có cái nhìn rộng lớn để biết vị trí của các việc. Hiện tượng có chỗ đứng của nó là khiến ta lưu ý đến những điều mà lý trí chưa giải thích được, để thúc đẩy ta tìm hiểu nhiều hơn về sự sống. Bước kế trước mặt là tìm hiểu ý nghĩa, sống trong cõi của ý nghĩa mà khi làm vậy người ta tách xa dần khỏi hiện tượng, vật chất. Nó không muốn nói việc làm ngơ với đời sống cõi trần, mà là ý thức về sự sống rộng lớn trong đó việc cõi trần có một chỗ đứng cùng với những cõi khác, và sự sống không phải chỉ gồm duy nhất đời sống ở cõi trần mà thôi.
Dẫn dụ con người từ cõi trần hữu hình, vật chất, từ hiện tượng ở cõi trung giới - là điều rất thật cho đại đa số - để bước vào cõi của ý nghĩa là chuyện khó làm, và chỉ làm được khi nhờ học hỏi con người có tầm nhìn rộng lớn hơn. Đây là việc đáng công vì khi biết ý nghĩa sự việc ở cõi hiện tượng, người ta bớt sống ở đó mà trí năng trụ ở cõi cao hơn, gần với sự thật hơn.
Vai trò của triết lý ở đây là cho ta thấy có những cõi cao hơn, hiểu biết chỗ đứng, vai trò của mỗi cõi và biết mục đích, chuyện phải làm của mình.
Triết lý giúp ta:
– Hiểu mục đích của sự sống,
– Thấy con đường dẫn tới đó,
– Biết bước kế phải làm gì 
– Dốc lòng tiến tới. 
Chuyện có thể ghi tóm tắt như sau:
– Cõi trung giới = cõi đại ảo mộng = phòng học hỏi, nơi đại đa số kinh nghiệm cận tử được quan sát và ghi nhận.
– Hiện tượng chỉ là ảo mộng, còn triết lý dẫn tới thực tại,
– Hiện tượng thay đổi, còn Thực tại vĩnh cửu
Chân lý, minh triết, sự hiểu biết về vạn vật là chuyện của cái ngã thiêng liêng và nằm ở nội tâm con người. Chúng không  thể được tỏ rõ bằng lời. Đông phương nói về điều này như trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử:
– Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh
(Tạm dịch: Đạo mà nói, tả được thì không phải là đạo; danh mà nói, tả được thì không phải là danh.)
Còn HPB ghi trong Secret Doctrine:
– Khi một lý tưởng định nghĩa được bằng lời thì nó mất đi tính thực tại của nó; khi một ý tưởng siêu hình được xác định là ta làm vật chất hóa tinh thần của nó… Hiểu biết chân thực thuộc về tinh thần và chỉ trong tinh thần mà thôi, và không  thể có được bằng bất cứ cách nào khác ngoại trừ thượng trí, cõi duy nhất mà từ đó ta có thể đi sâu vào cái Tuyệt Đối thấm nhuần tất cả.
Đây là Khoa học Huyền bí mà trí phàm không thấu được, và chỉ hiểu được bằng phần thiêng liêng bên trên trí năng.
Thái độ của người hiểu biết với hiện tượng nói lên tính giả tạm của nó, như Chân Sư nói:
– Chúng tôi không quan tâm đến cõi hữu hình; đối với chúng tôi nó chỉ là bức màn ngăn cản mắt phàm không cho thấy cái ngã bên trong, và chúng tôi quan tâm đến sự tiến hóa của cái ngã ấy.
Mỗi hình ảnh, ý niệm ta sinh ra ở cõi trí không là chân lý gì cả mà chỉ là biểu tượng cho nó, tuy chân lý vô hình có thể chiếu rọi qua đó. Ta chớ lầm lẫn hình tư tưởng với thực tại. Diễn tiến khi con người suy nghĩ là:
– Ta sinh ra ý niệm.
– Chúng tạo thành hình tư tưởng, hình này không tượng trưng cho Thực tại.
– Rồi hình phai nhạt dần.
Như vậy trí năng sinh ra hình tư tưởng, biểu tượng, và biểu tượng chân thực là dấu chỉ đường mà nếu có trực giác để đi theo, ta có thể khám phá đôi chút về cái Thực tại mà biểu tượng mô tả. Trí năng biểu tượng hóa chân lý mà không bao giờ thực sự nhận biết nó. Khả năng làm vậy nằm bên trên hạ trí, cũng như tâm thức thiêng liêng không sao diễn tả được bằng lời.
Trong diễn trình này, ta được khuyến cáo là:
– Hãy ráng ghi nhớ trong tâm cái chân lý sâu xa này rằng trí tuệ tự nó không mạnh mẽ chút nào, nếu muốn trở thành dụng cụ soi sáng trước tiên nó phải nhận sự sống, và ánh sáng từ nguyên lý cao hơn của nó là Tinh Thần. Trí tuệ trong trạng thái chưa được soi sáng của nó không bao giờ tìm được Thượng Đế. Hiểu biết thuộc về Tinh Thần và bằng Tinh Thần mà thôi, không  thể đạt được bằng cách nào khác ngoài việc đi vào những cảnh giới của thượng trí.
The Mahatma Letters to A.P. Sinnett.
Kết.
Ta nhận ra hai điều cần thiết:
1. Biết con đường đúng phải theo, là đi từ cõi ảo mộng vào cõi tinh thần, mà không phải mê mải nơi cõi huyễn ảnh đầy lôi cuốn.
2. Quan năng để làm việc ấy, là thượng trí hay trí tinh thần, trực giác.
Ta dùng trí tinh thần đi tìm để ngày kia vào cõi bên ngoài trí này. Việc đi tìm nằm ở bên trong, theo con đường dài và qua nhiều kiếp. Nhưng có khích lệ nói rằng đi tìm thì ta sẽ gặp, và Ánh Sáng trên Đường Đạo gọi cái tâm thức thiêng liêng đạt được ấy là bài hát của sự sống.
Lời dạy ‘Con người, hãy tự biết mình’  cần được nói rõ một chút, việc ‘tự biết mình’ không muốn nói đến sự ‘tự phân tích self analysis’ như hiểu theo  tâm lý học. Muốn hiểu chuyện tinh thần người ta cần đi vào cõi tinh thần, và dùng các phương tiện tinh thần nói ở trên. Ta không  thể đi vào cõi tâm linh, huyễn mộng, với phương tiện thiếu sót là hạ trí để mong hiểu chuyện tinh thần.

Tham khảo:
- Discipleship in the New Age, vol. II, A.A. Bailey
- The Way of the Disciple, C. Codd.